Trang chủ / Văn Học Trong Nước 2
 


Song Song (Tiểu Thuyết)

Tác giả: Vũ Đình Giang

Vũ Đình Giang tạo ra những nhân vật vừa bình thường vừa dị biệt. Những H, G.g và Kan... những con người thoạt nhìn cũng bình thường như bao nhiêu con người đi lại hít thở trên mặt đất. Tôi có thể thấy họ, gặp họ trên đường, trong công sở, trong nhà sách, trong siêu thị hay trong buổi triển lãm nghệ thuật... Dung mạo họ cũng có thể gây được thiện cảm khiến tôi muốn bắt tay, làm quen, trò chuyện... Họ ý thức được giá trị của bản thân là công việc với những sáng tạo âm thầm và vùi đầu công việc với khát vọng làm được điều gì đó có ích. Điều không bình thường so với những người bình thường, họ là những người đồng tính mà là những người đồng tính bị vây bủa, bị ép dưới sức nặng của quá khứ tối tăm. Những kẻ mà tuổi thơ bị đánh cắp, đày đọa và chôn vùi. Họ làm việc dưới ánh sáng nhưng lại sống trong bóng tối. Ánh sáng cho họ phương kế sinh tồn nhưng dường như họ luôn song hành cùng bóng tối. Bóng tối vây bọc. Họ bất lực trong bóng tối, trong chính mình. H và G.g, hai phiên bản méo mó của cùng một nhân vật tôi, luôn bị ép dưới sức nặng của quá khứ. Bóng đen quá khứ ám ảnh, dồn đuổi choáng ngộp mù mịt, nhiều lúc che khuất ý thức, lôi kéo dẫn dắt họ, thường là trong ý nghĩ, trong tưởng tượng vượt quá cái ranh giới của luân lý. Trong sự dẫn dắt của ý thức không được kiểm soát, ẩn ức, kềm nén và nổ tung. Trí tưởng tượng thúc đẩy những hành vi dị biệt, điên rồ, mù quáng. G.g muốn dìm chết mặt trời trong... thau nước pha màu. Hành hạ tơi tả những con rối ngây ngô. Muốn biến con chó con quặt quẹo bị bỏ rơi thành con sói ranh mãnh. Rình rập thủ tiêu cái bóng đen quá khứ (liên tưởng ông già hàng xóm là người cha độc ác của mình), muốn tẩy xóa dấu tích tuổi thơ (thằng bé lắm lời gợi lại quãng đời tủi nhục), muốn trả thù kẻ gây cái chết vĩnh viễn của tuổi thơ... Nhưng rồi, tất cả những âm mưu và cả những dấu vết tội lỗi, có khi chỉ trong ý nghĩ, trong ước muốn, trong khao khát trả thù, lại không che giấu được, không thủ tiêu được. Chúng phơi bày. Chúng trương phình. Chúng truy đuổi...

Những nhân vật bị những hành vi tội lỗi - dù có thể chỉ xảy ra trong tiềm thức hay trong cơn bộc phát mù loà của tưởng tượng - truy đuổi đến cùng. Họ chỉ còn một lối thoát, trốn chạy trong nhau, trong cái bản thể phân thân tuyệt vọng của những người đồng tính dị biệt, mất tuổi thơ, mất tình âu yếm yêu thương của những đấng sinh thành. Họ vật vã. Họ giằng xé. Họ buông thả. Họ thỏa mãn khoái cảm thể xác nhưng đau đớn triền miên về tinh thần. Họ trầy trật trong cuộc hành trình khổ ải để cuối cùng dẫn đến kết cục: "Tôi thuộc về những vùng tăm tối", "Tôi sở hữu thói cô độc... Trong tận cùng bản chất, tôi là kẻ vô cảm", "Và tôi đoán đó là một trùng hợp ngẫu nhiên của hư cấu. Sự thực có ít kẻ biết rõ tôi là ai". G.g, H và Kan đã phải thốt lên bằng cái thanh âm dị biệt của những thân phận dị biệt, dị biệt trong cả cách tự hủy diệt.

Trong cuộc hành trình vô vọng, mỗi nhân vật của Vũ Đình Giang dù ít dù nhiều cũng đều có được những khoảnh khắc phát sáng. Thứ ánh sáng ấm dịu, phản chiếu từ tâm hồn nhạy cảm, từ trái tim tổn thương, từ nỗi cô đơn cùng cực, từ mong ước thay đổi mà không thể đổi thay, muốn chia sẻ mà không được sẻ chia, muốn yêu thương và bị khước từ, muốn chối bỏ tất cả chỉ mong sao có được một cuộc sống bình thường... Và phát sáng bởi màu sắc và hình ảnh ngôn từ. Một thế giới ngôn từ được chọn lọc và gọt giũa.

Đó là thứ ánh sáng làm cho làm cho tác phẩm lung linh. Thứ ánh sáng kỳ ảo có sức chiếu rọi mọi ngóc ngách tăm tối của tâm hồn, dù là một tâm hồn lành lặn hay tật nguyền. Thứ ánh sáng có sức phản chiếu một miền đau. Miền đau thăm thẳm của một cõi người và của một cõi nhân gian đầy bất trắc.

Và đọc Song Song, tôi tin sẽ có những cảm nhận, những nhận định cũng song song:

Một, sẽ cho rằng đó là một thế giới bịa đặt, một thế giới không sao tưởng tượng được. Một thế giới hoang tưởng. Họ không chịu được nửa phần bóng tối dày đặc trên mặt đất. Họ không nhận thấy hoặc không muốn thấy những dằn vặt tinh thần cũng khổ ải không kém gì những đói khát về vật chất. Họ quay ngoắt trước đôi mắt hoang mang mất phương hướng. Họ không chấp nhận được sự lầm lạc. Họ lên án kẻ quỵ ngã. Họ kết tội những linh hồn còn bịn rịn trước xác thân chưa kịp thối rữa.

Hai, sẽ đọc chậm, có thể đọc đi đọc lại. Vừa đọc vừa tìm kiếm và soi rọi. Họ nhìn thế giới đang sống bằng ánh mắt chăm chú. Họ nhận ra thế giới vận động không ngừng. Một thế giới tràn ngập ánh sáng và hun hút bóng tối. Một thế giới cần được khám phá... Tôi cũng thuộc nhóm người này. Khép lại trang cuối tiểu thuyết Song Song, tôi như người vừa trải qua một cơn dư chấn. Tôi nhận ra mình đã hời hợt và vô tình. Tôi chỉ mới đi lại ngắm nhìn quẩn quanh trong cái biên độ chật hẹp. Chật hẹp trong góc nhìn, trong cảm nhận và chật hẹp trong thói quen né tránh. Né tránh những gì khác mình. Né tránh cái hiện thực mà mình không muốn có. Trong khi một thế giới rộng lớn và một thế giới tinh thần còn rộng lớn hơn, phức tạp hơn, bí ẩn hơn đang hiện diện và cần được đối diện. Một thế giới mà ký ức và những gì thuộc về cảm xúc luôn được coi là bậc thang cao nhất của các giá trị sống. Và còn bởi vì, ta không không thể thay đổi thực tại - nói như một văn hào Hy Lạp - thì hãy thay đổi con mắt nhìn vào thực tại!

Viết Song Song, Vũ Đình Giang đã chọn cho mình một con đường khó nhọc, cũng khó nhọc như từng bước đi lạc lối của những nhân vật mà Giang đã thai nghén, nuôi dưỡng bằng nỗi nhọc nhằn của thể xác và tinh thần. Sự lạc lối đớn đau của những G.g, H, Kan..., và hơn ai hết, Vũ Đình Giang muốn dùng màu sắc hình ảnh nhiều lúc khác thường nhằm tô đậm thêm cái thông điệp muôn đời: Nếu bị quá khứ đen tối kiểm soát, con người sẽ trở thành nạn nhân thảm khốc của nó; nếu cố tình đào bới quá khứ và tìm mọi cách tiêu diệt nó, thì cũng là tự chôn sống chính mình. Và nếu không được nuôi dưỡng bằng yêu thương, con người sẽ lớn lên trong một nhân cách què quặt, dị thường.

Thông điệp không mới, nhưng cái cách dẫn dắt của Vũ Đình Giang là mới và lạ. Mới và lạ không chỉ trong kỹ thuật viết và cấu trúc tác phẩm. Mới lạ ngay trong chính nội dung song song của nó về cái tính giả- thật, thật- giả, về trạng thái thực - ảo lẫn lộn, về cái khao khát muốn có nhau và cái thực tại luôn muốn khước từ, muốn rời bỏ nhau của những cách dị biệt và vì thế họ mãi là những nhân ảnh song song.

Với Song Song, Vũ Đình Giang đã giải tỏa cơn dằn vặt của ý thức. Giang và một vài người viết trẻ khác, đã không chấp nhận lối viết giống với những gì đã có, không trượt theo đường mòn quen thuộc, không viết theo xu hướng thỏa hiệp với chính mình. Giang viết trong khát vọng muốn tìm kiếm những giá trị mới cho văn học trong xu thế mới. Và bằng những nỗ lực âm thầm, Giang đã men theo lối đi nhiều trắc trở, lắm chông gai. Tôi chợt nhớ đến Mạc Ngôn, nhà văn đương đại Trung Quốc có nhiều tác phẩm quen thuộc với người đọc nước ta, từng khích lệ người viết trẻ: "Điều mà nhà văn luôn luôn chú ý, đó là số phận và sự tao ngộ của con người cũng như những biến dị trong tình cảm của con người và sự lạc mất lý tính của con người…". Giang đã tạo nên những nhân vật dị biệt song hành với hoàn cảnh dị biệt, những nhân vật có thể khó tìm thấy "y chang" trong đời sống nhưng phần nào lại hiện thực hóa một cuộc mổ xẻ thế giới tinh thần của một lớp người, tìm thấy ở đó những vấn đề mà con người thời đại không ngừng tìm kiếm lời đáp. Và vì thế, với tiểu thuyết đầu tay của mình, Vũ Đình Giang đã thực sự góp phần làm nên nhân cách sáng tạo và cũng góp phần tạo nên giá trị của văn học.

Tải về

http://www.mediafire.com/?mmxnimj0dc5

hay

http://www.mediafire.com/?xem2zkcozlw

Chia sẻ tới các bạn bởi Dulitruc